QUY TRÌNH XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

QUY TRÌNH XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

Tùy từng nước mà có những quy định khác nhau, vì vậy mình viết bài này để chia sẻ một cách tổng quát hơn cho các bạn nắm rõ hơn

ÁP DỤNG QUY TRÌNH VIETGAP TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

A.    Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất

Vùng sản xuất theo VietGAP phải phù hợp với quy hoạch sản xuất của địa phương; được khảo sát, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, qui định hiện hành của nhà nước về các mối nguy gây ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý.

B.     Quản lý nguồn đất sử dụng trong sản xuất

Nên tiến hành lấy mẫu, phân tích và đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật thường xuyên để điều chỉnh hoặc có các biện pháp chống thoái hoá đất khi cần. 

C.    Giống cây trồng

Giống cây trồng sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng, thuộc Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Khi sử dụng giống phải ghi chép về tên giống, cấp giống, nơi sản xuất giống, hoá chất xử lý hạt giống và mục đích xử lý (nếu có).

D.    Phân bón cho cây trồng

Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam nhằm đảm bảo lợi ích cho cây trồng và sức khỏe con người. 

E.     Sử dụng nước tưới

Cần lấy từ nguồn nước sạch, tránh không dùng các loại nước thải, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất cây trồng theo VietGAP. 

F.     Hóa chất sử dụng ( thuốc bảo vệ thực vật)

Phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì hoặc hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. 

G.    Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

Thiết bị, dụng cụ thu hoạch, bao bì hoặc vật tư tiếp xúc trực tiếp với cây trồng phải được làm từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm lên sản phẩm. Thiết bị, dụng cụ thu hoạch, bao bì hay vật tư khác phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. 

Lợi ích của quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp

Quy trình VietGap được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm hóa học làm ảnh hưởng đến sự an toàn hay chất lượng sản phẩm, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch của nhà sản xuất.

CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

I. QUY TRÌNH CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

(1) Tổ chức/cá nhân có nhu cầu xuất khẩu trái cây đệ trình yêu cầu lên Cục Bảo vệ thực vật (tại miền Bắc, Trung tâm KDTV SNK I phụ trách thực hiện công việc này).

(2) Cục Bảo vệ thực vật xem xét, rà soát các tài liệu do tổ chức/cá nhân đệ trình. Nếu các tài liệu cần thiết đã được đáp ứng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng trái cây xin cấp mã số. Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cán bộ của Cơ quan BVTV nước nhập khẩu có thể đi theo để cùng đánh giá.

(3) Sau khi kiểm tra và khảo sát, nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật, Cục BVTV sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng (Production Unit Code – P.U.C). Trong trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, Cục BVTV sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Tổ chức/cá nhân xin cấp có thể tiếp tục đăng ký sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu còn thiếu;

(4) Cục BVTV sẽ thông báo kết quả và mã số vùng trồng cho tổ chức/ cá nhân đăng ký và gửi mã số đó sang Cơ quan BVTV Quốc gia của nước nhập khẩu. Riêng đối với thị trường Mỹ, Cơ quan BVTV của nước này sẽ cấp lại mã số IRADS (Irradiation Reporting and Accountability Database) dựa trên mã số P.U.C của Cục BVTV. Trường hợp xuất trái cây vào Mỹ, thùng hàng phải có đầy đủ thông tin của 2 loại mã số trên.

Việc cấp mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu chỉ áp dụng cho một số thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh và một số nước thuộc liên minh Châu Âu (EU).

II. CÁC TIÊU CHÍ ĐỂ CẤP MÃ SỐ CHO VÙNG TRỒNG

          1. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân xin cấp mã số

  • Tổ chức, cá nhân xin cấp mã số cho vùng trồng trái cây xuất khẩu phải gửi những bộ hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau đây đến cơ quan Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu – Cục Bảo vệ thực vật: (1) Đơn xin cấp mã số vùng trồng; (2) Đối với doanh nghiệp, gửi đầy đủ thông tin cần thiết của người đại diện công ty (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy đăng ký kinh doanh của công ty) với bản sao có công chứng; (3) Thông tin về người đại diện của vùng trồng xin cấp mã số (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy chứng nhận qua lớp tập huấn về VietGAP) với bản sao có công chứng; (4) Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).

          2. Yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng

  • Diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6 – 10 ha/mã; không được quá 12 ha/ mã để tiện cho việc quản lý;
  • Vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP….) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương.
  • Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng.
  • Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả.
  • Không trồng xem các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối được KDTV của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).

          3. Yêu cầu về sổ sách ghi chép

  • Tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.
  • Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 1 quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.
  • Yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại….).

          4. Yêu cầu về vệ sinh trên đồng ruộng

  • Xung quanh và bên trong vùng trồng phải sạch cỏ dại, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác khác.
  • Phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng.

          5. Yêu cầu về thành phần dịch hại trong vùng sản xuất

  • Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại đang có trên vùng trồng trái cây xuất khẩu.
  • Vùng trồng trái cây chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) hoặc tổ chức/cá nhân xin cấp mã phải có biện pháp kiểm soát và phòng trừ đảm bảo loài dịch hại đó không xuất hiện trên đồng ruộng. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại.

          6. Yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng xuất khẩu

  • Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng.
  • Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV địa phương.

Việc xuất khẩu nông sản đi Mỹ có rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt mà buộc các doanh nghiệp cần lưu tâm tới nếu không muốn hàng nông sản của mình bị trả lại. Bên cạnh các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nông sản còn phải đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển hàng đi Mỹ, tất cả đều được giám sát chặt trước khi được tiêu thụ trong thị trường Mỹ.

Đăng ký kèm xác nhận từ đại diện nhập khẩu phía Mỹ

Theo thống kê gần đây của FDA, Việt Nam có 1.485 cơ sở sản xuất được FDA cho phép kinh doanh hợp lệ nhưng con số này hiện chỉ còn 806. Có 679 cơ sở sản xuất bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc không đúng thủ tục.

Vượt qua các nguyên tắc

Để xuất khẩu nông sản phải tiếp tục vượt qua các kiểm tra của FDA về độ an toàn và đánh giá theo quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) hay thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Có 4 mối nguy quan trọng mà các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam thường gặp là: mối nguy về sinh học (bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh); mối nguy về hóa học (phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân hủy thực phẩm, phụ gia, chất tạo màu không được sử dụng, các chất gây dị ứng thực phẩm); mối nguy vật lý (nhiễm bẩn thủy tinh hoặc kim loại); mối nguy từ vô tình hoặc cố ý để đạt được lợi ích kinh tế (làm giả, làm nhái…)

Đảm bảo chất lượng vận chuyển

Vận chuyển hàng đi Mỹ cần đảm bảo được các yêu cầu về phương tiện vận chuyển như thời gian và chất lượng. Nhiều chuyến hàng xuất khẩu nông sản khi vận chuyển đi Mỹ  đã bị trả lại sau khi chất lượng nông sản không đảm bảo do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển hàng đi Mỹ diễn ra trong thời gian dài và chất lượng bảo quản không tốt.

Làm thủ tục hải quan xuất khẩu

Bước 1: Kiểm tra sản phẩm nông sản đã được nước nhập khẩu chấp nhận chưa?

  • Điều này rất quan trọng vì không phải sản phẩm nông sản nào cũng được chấp nhận.
  • Bạn phải kiểm tra cả hai phía để chắc chắn nhé, nếu không sẽ bị mất 1 khoản phí để có kinh nghiệm cho vấn đề này đấy.

Bước 2: Thủ tục xuất khẩu, kiểm dịch,…

  • Dù sản phẩm nông sản được phép nhập khẩu vào thị trường của đối tác, nhưng sản phẩm vẫn phải thỏa mãn các yêu cầu của nước nhập khẩu. Ví dụ như:
    • Sản phẩm phải được chiếu xạ
    • Phải kiểm dịch thực vật
    • Phải có được thu hoạch từ vùng trồng đạt tiêu chuẩn.
    • Phải kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật,
    • Cách đóng hàng vào thùng/bao bì để đảm bảo đúng tiêu chuẩn, không bị hư hàng.
  • Ngoài ra, đối với một số sản phẩm tươi và phải bảo quản lạnh trên đường vận chuyển, bạn sẽ phải chú ý nhiều hơn như:
    • Thời gian thu hoạch đủ
    • Thời gian đóng hàng
    • Thời gian làm thủ tục hải quan / kiểm dịch thực vật / chiếu xạ / hun trùng / làm C/O, …
    • Thời gian vận chuyển

 Tất cả phải khớp với nhau để đảm bảo hàng không bị hư hỏng và chất lượng hàng được tốt nhất.

  • Bước này phải lưu ý là :
    • Tránh phí tiền điện dùng cho container lạnh khi ra hàng
    • Làm không tốt là có thể bị hư hàng, lúc này rất mệt đó nha, không chỉ là mất tiền mua hàng mà còn phát sinh rất nhiều chi phí khác mà khi nhìn vào bạn sẽ bị choáng đấy (chi phí xử lý hàng hư, chi phí lưu cont chờ xử lý hàng, chi phí vận chuyển về Việt Nam,… )

Bước 3: Các giấy tờ cần thiết cho việc xuất khẩu

  • Vận đơn (Bill of Lading)
  • Hoá đơn thương mại (INVOICE)
  • PACKING LIST
  • CERTIFICATE OF QUALITY / QUANLITY
  • PHYTOSANITARY  (không có là khách không nhập khẩu được đâu, bị trả về đấy)
  • FUMIGATION  (không có là khách không nhập khẩu được đâu, bị trả về đấy)
  • CERTIFICATE OF ORIGIN  (tuỳ Theo yêu cầu của người mua)

Tóm lại:

Việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ năm 2019 – 2020 tuy đã bị thắt chặt đi rất nhiều, Đối với Doanh nghiệp việt mới gia nhập thị trường xuất khẩu sẽ có khá nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, Không thể tránh khỏi mất tiền, mất hàng để có các bài học đáng giá nhằm củng cố các kiến thức về xuất khẩu nông sản đi mỹ.

Nguồn cẩm nang xnk 

Nhat Minh Tam Co., Ltd © 2022. Design by saigonwebsite.com.vn

app
Zalo
Hotline